Ở Việt Nam, có lẽ theo thói quen từ xưa để lại hay do điều kiện sống mà nhiều người trong chúng ta thường không coi trọng bữa sáng. Nhưng nhiều người không biết rằng, họ đã bỏ qua một bữa đáng ăn nhất trong ngày.
Bữa ăn sáng hay bữa sáng, bữa lót dạ là bữa ăn đầu tiên trong ngày, thường là vào buổi sáng với những món ăn nhanh, nhẹ kèm theo các món tráng miệng, giải khát như: cà phê, trà, sữa, nước trái cây.
Tùy vào điều kiện sống mà bữa sáng của mỗi người thường khác nhau. Có người thì có một bữa ăn hoàn chỉnh, có người thì chỉ ăn lót dạ để đi học hoặc đi làm.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng bữa sáng (bữa ăn sáng) là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, đó là nền tảng để cung cấp dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Nhiều nhà dinh dưỡng đã xác định được giá trị của bữa ăn sáng, chiếm khoảng 30 – 40% tổng năng lượng cả ngày nên cần cung cấp đầy đủ dưỡng chất trong bữa ăn sáng. Thiếu ăn sáng có thể gây ra những hậu quả bất lợi đến cơ thể và tinh thần trong suốt buổi sáng. Hãy cùng tìm hiểu sâu vai trò và tầm quan trọng của bữa sáng.
1. Vai trò của bữa sáng:
Một bữa sáng thích hợp sẽ tạo được điều kiện thuận lợi khởi động cho một ngày mới, nạp năng lượng trong cả ngày làm việc và học tập. Thiếu ăn sáng có thể gây hậu quả bất lợi đến các hoạt động của cơ thể và tinh thần trong suốt buổi sáng đó, lượng vitamin và chất khoáng được nạp cho cơ thể khi bữa ăn sáng bị bỏ sót sẽ không đủ bổ sung đủ trong bữa ăn sau và bữa ăn nhanh. Chính vì vậy, với những người không ăn sáng, lượng khoáng và vitamin sẽ bị thiếu nghiêm trọng, đặc biệt là chất sắt và canxi.
Các chuyên gia khoa học đã khuyến cáo: “Tất cả mọi người có thói quen ăn sáng hàng ngày sẽ nâng cao được sức khỏe và kéo dài sinh lực trong suốt buổi sáng, có thái độ và tinh thần minh mẫn trong cả ngày”.
Bữa sáng giúp duy trì tinh thần học tập và làm việc được minh mẫn liên tục vì bữa sáng cung cấp năng lượng tiêu hao sau một đêm. Vì cơ thể đòi hỏi cần phải có một lượng lớn Glucoza được chuyển hóa và các chất này sẽ được chuyển hóa lên não, giúp cơ thể bổ sung thêm Glucoza trong máu, đây là nguồn năng lượng chính của não. Điều này rất quan trọng vì não không có lượng dự trữ Glucoza. Ăn sáng sẽ giúp kích thích sự trao đổi chất, quá trình này thường diễn ra chậm trong suôt đêm.
Đối với độ tuổi còn nhỏ, bữa sáng giúp cho trẻ tăng khả năng tiếp thu bài giảng, tăng mức độ tập trung, suy nghĩ nhanh trong một giờ học.
Đối với nhóm tuổi vị thành niên, những người bỏ bữa sáng thì bị giảm khả năng xử lí và điều hành công việc, giảm vận động trí nhớ dẫn đến giảm trí nhớ. Còn những người thường xuyên ăn sáng sẽ có chỉ số thông minh hơn. Ngoài ra, phụ nữ có thai nếu ăn sáng thường xuyên đúng cách cũng có tác dụng rất tốt cho thai nhi.
Đối với những người cao tuổi, ăn sáng hàng ngày sẽ có được một sức khỏe tốt, giảm đáng kể lượng tử vong sớm đối với người già.
2. Tầm quan trọng của bữa sáng
Khi ăn bữa sáng thường xuyên sẽ giúp ích rất nhiều cho cơ thể. Bổ sung lượng dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể để bắt đầu một ngày mới với năng lượng dồi dào. Một số tầm quan trọng của bữa sáng đối với sức khỏe con người như:
*) Tăng cường hiệu quả làm việc, học tập
Buổi sáng là thời gian khoảng thời gian học tập và làm việc cao nhất trong ngày nên không thể thiếu được nguồn năng lượng bổ sung từ thực phẩm. Ăn sáng sẽ giúp duy trì tinh thần học tập, làm việc minh mẫn liên tục, cung cấp lượng Glucoza trong máu, nguồn năng lượng chính của não.
Nhịn ăn sáng hay chỉ ăn qua loa sẽ không cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Vào giữa hay cuối buổi sáng, đường huyết sẽ giảm làm bạn cảm thấy mệt mỏi, hoa mắt, năng suất lao động giảm, dễ bị sai xót trong công việc và dễ gây tai nạn lao động. Đối với học sinh, sinh viên thì nhịn ăn sáng sẽ ảnh hưởng đến việc học, kém tập trung, hay buồn ngủ….
*) Kiểm soát việc tăng cân
Đối với những bạn muốn giảm cân, bữa sáng vô cùng quan trọng. Nghe có vẻ bất hợp lí nhưng hoàn toàn có cơ sở. Nếu bạn muốn giảm cân, kiểm soát hay duy trì giảm cân thì nên ăn sáng đều đặn. Việc bạn không ăn bữa sáng và đến trưa, khi bụng đói cồn cào, bạn sẽ ăn nhiều để bù lại, do vậy cơ quan tiêu hóa phải làm việc quá tải, việc hấp thụ sẽ kém hiệu quả, không bù đắp lượng thiếu hụt chất dinh dưỡng sau một đêm dài và nữa ngày làm việc, chưa kể đến việc hấp thụ không hết sẽ khiến lượng thức ăn dư thừa tích lũy thành mỡ.
Bạn nên ăn nhiều vào buổi sáng bữa trưa và nên ăn ít vào buổi tối. Sau bữa sáng, cơ thể phải học tập, làm việc nên năng lượng hầu như được tiêu hao hết và không bị dư thừa. Ngược lại, sau bữa tối, cơ thể được nghỉ ngơi, hoạt động ít nên dễ tích năng lượng dưới dạng mỡ gây dư thừa.
*) Bảo vệ hệ tiêu hóa
Thức ăn được đưa vào dạ dày buổi sáng có tác dụng kích thích sự tiết dịch vị cả ngày, khiến cho cơ thể tiêu hóa tốt hơn, duy trì hoạt động tiêu hóa và sự thèm ăn. Đặc biệt, đối với những người bị viêm loét dạ dày tá tràng, người có dịch vị nhiều axit thì bữa ăn sáng lại càng quan trọng, giúp trung hòa bớt một phần dịch vị, giảm độ toan của dịch vị, do đó giảm sự khó chịu cho dạ dày. Buổi sáng cũng là thời điểm tốt để cơ thể hấp thụ vitamin, khoáng chất tốt nhất.
*) Ngăn ngừa bệnh mãn tính
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, việc bỏ bữa sáng góp phần làm tăng huyết áp, kháng insulin và lượng đường trong máu cao. Bữa sáng có chất lượng với ngũ cốc thô giúp giảm cholesterol trong máu, giảm béo và giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
Khi ăn một bữa sáng hợp lý là bạn đang điều tiết lượng đường trong máu. Không ăn sáng, bạn sẽ đói nhanh hơn trong suốt cả ngày và bạn dễ dàng rơi vào tình trạng ăn uống mất kiểm soát, đây là nguyên nhân trực tiếp khiến bạn tăng cân nhanh chóng, cũng là nguy cơ mắc các bệnh khác do ăn uống quá độ và dư thừa lượng đường, như bệnh tim mạch, tiểu đường…
3. Một số thói quen ăn sáng nên tránh
– Ăn sáng khi vừa ngủ dậy sẽ không tốt cho cơ thể và gây ảnh hưởng đến dạ dày. Nên uống một cốc nước ấm sau khi thức dậy để kich hoạt lại hệ tiêu hóa cũng như thanh lọc cơ thể. Sau đó khoảng 30 phút mới nên ăn sáng.
– Ăn quá no sẽ làm quá tải hệ thống tiêu hóa, gây mệt mỏi
– Ăn đồ ăn vặt như bánh biscuit, chocolate….thay cho bữa sáng. Đồ ăn vặt chỉ cung cấp nguồn năng lượng tạm thời và trong một thời gian ngắn. Ăn sáng với các loại thực phẩm kho sẽ dễ dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng cũng như sự suy giảm về thể chất
– Ăn sáng bằng thức ăn nhanh như hamburger hay gà rán…tiện lợi, nhanh gọn và ngon miệng nhưng lại thiếu các vi chất, gây ra thừa năng lượng, dễ béo phì
– Ăn quá nhiều thịt hoặc thức ăn chiên, rán sẽ không tốt cho dạ dày vì chậm tiêu hóa, gây đầy bụng, gây mệt mỏi ở đầu ngày học tập, làm việc
– Chỉ ăn trái cây sẽ không cung cấp được các chất dinh dưỡng và duy trì trao đổi chất bình thường của cơ thể. Có một số loại trái cây không thích hợp để ăn khi đói vì làm rồi loạn dịch vị, dẫn đến chứng đau bao tử
– Ăn đồ lạnh sẽ khiến lưu lượng máu khó lưu thông trong cơ thể vì vào buổi sáng, thần kinh, cơ bắp và các mạch máu đang trong trạng thái bị co lại. Thực phẩm lạnh sẽ gây khó chịu ở đường tiêu hóa, thậm chí còn gây táo bón hoặc làm tổn thương khá lớn đến sức đề kháng của cơ thể.